Từ Linh, Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Văn Cao (theo kim đồng hồ)

Những công trình sáng tác của một thời kỳ mà ngôn ngữ văn học nghệ thuật hiện đại, nhìn trở lại, gọi chung tên là những sáng tác của thời tiền chiến, cho tới nay, đã nhận chịu gần xong một thử thách. Thử thách này hai mặt. Khách quan là thời gian. Chủ quan là cái thái độ tiếp nhận bây giờ của lớp người thưởng ngoạn. Ý hướng và hiện tượng này của thưởng ngoạn, trước những tác phẩm chung một thoát thai chung một hình thành quá khứ, cũng chia thành nhiều trạng thái thưởng ngoạn khác nhau. Mười ngón tay tiếp nhận nghệ thuật tiền chiến của chúng ta, quả thực đã có những ngón dài ngón ngắn.

Đối với tiểu thuyết và thơ văn tiền chiến, chẳng hạn, thưởng ngoạn của chúng ta bây giờ rõ ràng hàm chứa ý nghĩa một kiếm chứng toàn vẹn, một duyệt lại, tận cùng. Thái độ thưởng ngoạn ở đây, tiến bộ, nhưng cũng vì thế, mà lạnh lùng nghiêm khắc. Trong phạm trù của ý thức, biện chứng là như thế. Nói tới ý thức là nói tới bàn mổ, con dao giải phẫu, ống kính hiển vi. Chúng ta đã thấy, chính bởi cái thái độ thưởng ngoạn đặt nghiêm trang trên ý thức mũi nhọn này, mà bao nhiêu công trình thơ văn tiền chiến đã bị bàn tay chúng ta đấy lùi xa thêm một chặng đường quá khứ, cho khuất lọt hẳn vào sau thềm của mịt mùng kia của một viện bảo tàng. Trái ngược lại là: nhiều công trình rung động và sáng tạo của tiền chiến và tiền khởi nghĩa đã được ngắm nhìn trở lại bằng một cặp mắt nghìn lần khoan dung hơn. Chẳng những chúng không bị chôn vùi, mà còn được lấy ra khỏi bảo tàng, cho nhập nội vào hiện tại, sống bất ngờ thêm một đời sống mới.

Tôi muốn nói đến âm nhạc. Đến những ca khúc tiền chiến. Trong bảy ngành nghệ thuật tiền chiến, đích thực âm nhạc tiền chiến đã là kẻ tốt số nhất. Những bản án tử hình, những văn kiện khai tử gửi cho những sáng tác tiền chiến đã treo đính cùng khắp. Trên lối vào Tự Lực. Trước ngả đến Xuân Thu. Đầu cổng tượng trung. Trên tường lãng mạn. Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Thế Lữ, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, chỉ còn là những vang bóng mờ nhạt. Và tác phẩm họ, những tài liệu văn học. Nhưng mà Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, Biệt Ly của Lưu Bách Thụ, Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, Trương Chi của Văn Cao, kể cả những ca khúc giá trị nghệ thuật tầm thường như những ca khúc của Từ Linh, Đoàn Chuẩn, những sáng tác nhạc mang dấu hiệu và phong cách tiền khởi nghĩa ấy đang được quay từng vòng, từng vòng trên những dĩa nhựa, lăn từng vòng từng vòng trong những băng nhạc, nở đẹp từng chùm hoa âm thanh trên nhiều tiếng hát chúng ta, được yêu cầu không ngớt, được hát đến không ngừng ở những phòng trà. Thí dụ: bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận, giỏi lăm chỉ dăm bảy người yêu thơ còn nhớ, được phổ thành nhạc, lục bát của Ngậm Ngùi năm nay hình như toàn khắp thành phố cùng nghe. Còn hàng trăm thí dụ, bằng chứng tương tự. Bài thơ Chiều của Hồ Dzếnh là một thí dụ khác. Người ta có cảm tưởng như không phải hồi trước, khi chúng vừa mới được khai sinh trên những phím đàn, mà bây giờ, phải đợi đến bây giờ, những Tạ Từ, Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ, Dang Dở của Đoàn Chuẩn, Suối Mơ của Văn Cao, mới được thưởng thức tới cùng độ chứa chan tình cảm của thưởng thức.

So sánh những số phận tác giả tiền chiến với nhau, tôi nhớ một buổi tối ở Đêm Mầu Hồng, nơi nhạc tiền chiến được khán giả nâng đẩy lên thành yêu cầu thường hằng và nồng nhiệt nhất, tôi đã nói chuyện với Đỗ Quý Toàn về hiện tượng này. Rằng trước nhận chịu và chối từ bây giờ, tiền chiến có những số phận thật may, thật tốt, bên cạnh những số phận thật xấu, thật thiệt thòi. Rằng, với Tô Vũ, Văn Cao, Đặng Thế Phong Lưu Bách Thụ, những số phận nhạc tiền chiến là những số phận tốt nhất, may nhất. Tại sao như vậy?Nhiều nguyên nhân đã được nói đến. Trước hết, người ta đã nói đến những ca khúc tiền chiến tới nay còn duy trì được những vang ngân êm ái không cùng trong rung động chúng ta, bởi vì mỗi ca khúc cũ là một đồng nghĩa với kỷ niệm. Nghe một bài hát xưa, chính là sống lại một kỷ niệm trước. Ở điểm này, nhạc tiền chiến dẫn về những hoa bướm, những mưa thu, những nắng vàng, những cuộc tình đã mất. Và nhạc tiền chiến được yêu thích, vì nhạc ấy là võng hoa cho từng giấc ngủ, lời ru cho từng nhớ thương xưa cũ của tâm hồn. Người ta còn nói đến nhạc tiền chiến, say đắm, mơ mộng, trữ tình, đôn hậu, lướt thướt là ấn tượng của một mơ tưởng thái bình, chúng ta không kiếm thấy giữa lửa đạn bây giờ, đã tìm thấy một phần nào, với nhạc trước thiên đô và trong nhạc trước di cư. Nhiều nguyên nhân khác nữa được xem như những giải thích thỏa đáng và hợp lý: nhạc bây giờ chưa thành hình nên cái mới chưa thay thế nổi cái cũ, người làm nhạc bây giờ chia sẻ, không “toàn nguyên” (entier) như người làm nhạc ngày trước, chúng ta yêu nhạc tiền chiến như một phản ánh, một tố cáo cho những cái tầm thường, yếu đuối, lỗi thời, quá mùa còn tàng ẩn như nọc độc chưa tan trong đáy cùng một tâm thể đã vượt thoát v.v... Có thể. Có lẽ.

Điều tôi thấy về sự hồi sinh, về cái hiện tượng đời sống thứ hai, đang có giữa bây giờ của những ca khúc tiền chiến, là do nơi, ca khúc tiền chiến thực ra không hồi sinh, mà chỉ là tới bây giờ, với chúng ta, với đời sống bây giờ, lũ ca khúc cũ mới có đời sống. Đời sống đầu tiên. Đời sống thứ nhất. Nhớ lại mà xem. Vòm trời tiền chiến âm u, bưng bít, sầu thảm, xã hội tiền chiến cùng đường, không lối thoát, không ngày mai, là một vòm trời không có âm nhạc, vắng bặt tiếng hát. Đó là một thế giới im lặng. Một thế giới không có chân trời nên không thể có gió hát. Không có bình minh, nên không thể có chim ca. Giọt Mưa Thu, Đêm Đông có thuở đó, để cùng chết âm thầm như Đặng Thế Phong thuở đó. Giữa một xã hội chan hòa khổ đau, nhạc không thể sống đập, không thể chuông ngân trên cửa miệng mọi người. Những sợi chỉ cấm sống, cấm thở, đã khâu chặt những vành môi nô lệ. Những vành tai đã bị chọc thủng. Hát được làm sao, khi không ngửng cao đầu, khi không phình lồng ngực. Nhạc hồi trước bởi vậy, không có chỗ giữa đời sống tối đặc. Ca khúc soạn ra, mang ý nghĩa đau của những lời thầm. Chỗ nào thiếu không khí, thiếu ánh sáng, hơi thở ngừng đứt, chỗ đó nhạc phải chết. Chúng ta bây giờ, khổ đau còn nhiều, nhưng nhất định không còn là loại khổ đau xưa của những bấy nô lệ. Chúng ta bây giờ, một phía còn nhỏ lệ, còn đổ máu, nhưng so với núi buồn xưa đã rất lớn biển vui nay, và ý thức làm chủ vận mệnh mình đã tạo được một phía hồng tươi, đã có những lúc dồn đầy thành hát ca vỡ toang lồng ngực. Chúng ta sống bây giờ không im lặng nữa. Mà khóc. Cười. Và hát. Âm nhạc có đất sống. Theo tôi, chính bởi hiện tượng này mà những ca khúc tiền chiến chết trong thời chúng sinh thành, đã bất ngờ được sống dậy theo. Ta hát những bài ca xưa, ta yêu những bài ca xưa, đã gỡ đi những bản án tử hình đính lên, bao nhiêu năm rồi, trên những đời nhạc cũ.

Mai Thảo
Nguồn: Mai Thảo Bài Viết Ở Trang Cuối
Sưu tập 32 bài tùy bút Mai Thảo trên tuần báo Khởi Hành Thư Quán Bản Thảo, Tháng 5.2021

Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất