Văn Trang
1959


Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên (photo Mạnh Đan)

Tập “Tình Ca” trong tay, tôi đến gặp thi sĩ Cung Trầm tưởng đúng lúc anh đang sáng tác thơ.

Anh ngửng đầu lên, vừa cười vừa nói hồn nhiên:

- À, lại nhà báo!

Tôi mạnh dạn đi thẳng vào vấn-đề:

- Trước khi viết một bài về “Tình Ca”, mong anh, Phạm Duy và Ngy Cao Uyên cho biết ý kiến về…

Tôi chưa kịp nói hết Cung Trầm Tưởng đã lanh lẹ cắt đứt:

- Có ngay!

Tôi tiếp tục:

- Tình Ca là tập đầu tiên ở Việt Nam, trong đó thơ, nhạc, họa đồng-hành với nhau. Anh nghĩ gì về sự hợp tác tay ba ấy?

- Hồi ở Paris, tôi đã có ý định thực hiện sự hợp tác tay ba này. Điều khó khăn đầu đầu là tìm được một hồn nhạc và một nét vẻ cảm, mến thơ mình.

- Anh đã tìm được hồn nhạc Phạm Duy và nét vẽ Ngy Cao Uyên?

- Phải, hai người bạn thân này. Ngoài là nhạc sĩ và họa sĩ, còn có một tâm hồn rất thi sĩ. Tôi chẳng cần biện minh hộ, anh cứ thưởng thức tác phẩm của họ là hiểu ngay. Ngoài ra, họ cũng từng sống những phút giờ như tôi, nghĩa là từng chờ đợi ở vườn Lục-Xâm, từng tiễn đưa ở một nhà ga Ba-Lê…

- Thế anh có để cho họ tự do khi phổ thơ hay họa thơ anh?

- Có chứ, hoàn toàn tự do. Tôi không hề ép buộc họ trong một công thức nào hết.

- Tôi hiểu rồi. Vì vậy Phạm Duy đôi khi chỉ giữ hồn thơ anh, còn tự do đổi lời cho hợp âm điệu.

Chúng tôi tạm ngừng để uống trà. Cung Trầm Tưởng chưa kịp đặt chén xuống thì tôi đã vội hỏi:

- Lúc nãy, anh chỉ mới nói đến điều khó khăn đầu tiên. Vậy còn điều khó khăn nào nữa?

- Điều khó khăn ở sau là phương diện kỹ thuật. Theo tôi, phổ thơ, họa thơ là một kỹ thuật khó khăn. Về kỹ thuật Phạm Duy, kỹ thuật Ngy Cao Uyên, tôi không hề đặt dấu hỏi. Anh nên gặp họ thì hơn.

Tôi đến gặp Phạm Duy đúng lúc anh vừa đọc xong một quyển khảo luận về nghệ thuật điện ảnh. Vẻ mặt anh còn đang thắc mắc về một điều gì xa xôi, thì tôi đã đi thẳng ngay vào vấn đề:

- Mong anh cho biết ý kiến về sự hợp tác của anh trong Tình Ca

- Hợp tác thì chưa đúng hẳn, đồng sáng tác thì hơn. Về phương diện thơ phổ nhạc, tôi bao giờ cũng quan niệm có cảm mến thơ thì mới phổ nhạc…

- Nghĩa là như anh Cung Trầm Tưởng đã nói với tôi.

- Phải. Cảm, mến thơ vì qua âm điệu, ý hồn, mình đọc được chính cảnh ngộ của mình. Tôi cảm, mến thơ Cung Trầm Tưởng bởi đã ghi lại cho tôi những kỷ niệm về Ba-Lê.

Lúc này, sau cặp mắt kính cận thị lờ mờ, mặt Phạm Duy lộ một vẻ buồn man mác. Tôi vừa nhìn tập Tình Ca vừa nói:

- Cảm, mến xong rồi, anh tính chuyện sáng tác ra sao?

Phạm Duy trả lời nhanh nhẹn:

- Phổ nhạc cho thơ là cả một kỹ thuật khó khăn. Tôi chỉ tóm tắt những điểm chính: thoạt đầu tìm một thể nhạc, thích hợp và bài thơ rồi chia bài thơ thành từng đoạn. Phân tích âm điệu, tìm tòi nét nhạc; sau cùng ghép lại, sửa đổi cho sáng tác tròn trặn, nhạc và thơ song hành cùng nhau.

- Anh có thể cho biết một vài ví dụ trong “Tình Ca” được không?

- Chẳng hạn trong “Mùa thu Paris”, tôi cố tâm dùng thể Musette để gợi lại không khí các buổi khiêu vũ chủ nhật của sinh viên Paris. Trong “Chiều Đông” tôi lại chuyển sang thể Blue nhịp hai để diễn tả cảnh tầu đi xuống tỉnh, ga ở lại với băng nguồn tuyết núi. Theo tôi, như vậy thích hợp hơn…


Tôi phải xuống tận Biên Hòa mới gặp được họa sĩ Nguyễn Cao Uyên. Ở đó, tôi được dẫn đi xem xưởng họa của anh, lập trong một biệt thự xinh xắn.

Sau một hồi bàn luận về hội họa, chúng tôi đã chuyển sang chuyện hợp tác trong Tình Ca.

Nguyễn Cao Uyên cũng như Phạm Duy đã cảm, mến thơ Cung Trầm Tưởng trước khi vẽ. Anh nói như sau:

- Trong Tình Ca, tôi diễn tả thơ bằng một nét vẽ rất tượng trưng. Theo tôi, như thế thì mới có vẻ “thơ”

- Anh có thể dẫn chứng bằng một ví dụ không!

- Chẳng hạn trong “Mùa thu Paris” tôi chỉ diễn tả cảnh mùa đông vườn Lục-Xâm-Bảo bằng một pho tượng trơ trọi và dăm cành cây xơ xác, còn cảnh “ngóng em kiên khổ phút giờ” hay “không em buốt giá từ tâm”, theo tôi vẻ mặt ưu tư của một sinh viên ngồi chờ ghế đá là đủ diễn tả.

- Có người cho các trình bày bìa “Tình Ca” của anh hơi “siêu tả chân”. Có đúng vậy không?

- Sao lại “siêu tả chân”! Tôi chỉ muốn tượng trưng Tình Ca bằng một trái tim thơ, thơ nhạc họa bằng một người đàn bà và một cái bút lông. Có thế thôi!

Văn Trang

Nguồn: Tạp chí Trẻ số 2, năm 1959 (đăng trong trang FB của Nguyễn Trường Trung Huy)

Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất