Quỳnh Nguyễn
5.5.2011

TT - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) tăng giá tác quyền 100% so với giá cũ. Phản ứng lại, Hiệp hội Công nghệ ghi âm VN (RIAV) tuyên bố sẽ ngừng sản xuất.

Kể từ tháng 3, VCPMC áp dụng khung giá mới cho việc sử dụng tác phẩm âm nhạc trong lĩnh vực sản xuất và xuất bản của ngành văn hóa.

Tiền nhuận bút tác giả tăng từ 500.000 đồng/bài lên 1 triệu đồng/bài cho CD, VCD và từ 750.000 đồng/bài lên 1,5 triệu đồng/bài cho DVD.

Đau đầu bài toán kinh doanh

RIAV đã đề nghị VCPMC trước mắt vẫn giữ nguyên biểu giá thu tiền nhuận bút tác giả trong năm 2011 y như cũ. Bên cạnh đó, RIAV cũng mong muốn có một cuộc họp giữa các ban ngành liên quan để có phương án cho lộ trình tăng giá (nếu cần thiết). Đề nghị này đã được RIAV đưa ra hôm 10-3 và đến nay vẫn chưa được "như ý", dẫn đến động thái tiếp theo là quyết định ngưng sản xuất.

Tuy thế, hầu hết ca sĩ cho rằng khoảng năm năm trở lại đây họ chính là nhà đầu tư các sản phẩm âm nhạc cho mình chứ không phải các hãng băng đĩa. Phần đông đều tự liên lạc với các nhạc sĩ để xin ca khúc và thỏa thuận tác quyền. Tác quyền ca khúc "ở thị trường" (do ca sĩ thương lượng với nhạc sĩ, không thông qua VCPMC) từ hai năm qua đã là 2 triệu đồng/bài "xài chung" và 5 triệu đồng/bài độc quyền.

Thực tế, tiền mà các ca sĩ chi cho những ca khúc độc quyền và có khả năng thành "hit" vượt mức 10 triệu đồng/bài. Với những nhạc sĩ tên tuổi, họ thường thu trọn gói sáng tác và hòa âm từ 15-20 triệu đồng/bài. Thế nhưng, những tác giả thuộc "chiếu trên" hiện nay như: Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Huy Tuấn... rất ít khi nhận sáng tác từng bài lẻ mà chỉ nhận làm nhà sản xuất với phần biên tập, sáng tác, hòa âm trọn gói với giá 200-300 triệu đồng/album. Như vậy, "giá sàn" mà VCPMC đưa ra vẫn là rẻ so với thị trường.

Trên các diễn đàn âm nhạc cũng có nhiều ý kiến cho rằng chỉ với 500.000 đồng/ca khúc thì không thể hiện được sự trân trọng cũng như khuyến khích sáng tạo từ các nhạc sĩ. Một số ý kiến khác lại nhận định không hẳn vì VCPMC tăng giá nhuận bút mà RIAV gặp khó khăn trong kinh doanh. Băng đĩa lậu và cả vấn nạn nghe, tải nhạc miễn phí còn có sự bắt tay của giới ca sĩ. Ngày nay rất nhiều ca sĩ, đặc biệt là ca sĩ trẻ, đã chủ động đưa album mới của mình cho các đầu nậu "luộc", cũng như đưa cho người quản lý các trang web nghe nhạc trực tuyến "đẩy chùa" lên mạng. Thậm chí việc phát hành trên mạng trước khi chính thức phát hành album ra thị trường đang là "mốt" của nhiều ca sĩ.

"Hét" thù lao cao

Thực tế cho thấy không phải đến khi VCPMC đòi tăng tác quyền thì các sản phẩm băng đĩa mới tăng giá. Giá bán đĩa kỷ lục vừa được thiết lập cách đây hơn hai tuần bởi ca sĩ Nguyên Vũ với album Nguyên Vũ Special lên đến 500.000 đồng/album. Đành rằng album kỷ niệm 15 năm ca hát của Nguyên Vũ khá đặc biệt với hai CD và một DVD cùng vô số quà tặng (có cả một viên ruby có kiểm định) bên trong nhưng giá bán như vậy vẫn là cao so với mặt bằng chung. Hầu hết album được bày bán trên thị trường hiện nay đều trên 50.000 đồng, tăng 10-15% so với năm ngoái.

Với album của những giọng ca "hot", giá bán dao động 100.000-200.000 đồng/album. Các ca sĩ cho hay giá bán album cao vì chi phí sản xuất cao. Tác quyền chỉ là một phần trong chi phí sản xuất, bên cạnh đó là tiền hòa âm phối khí, làm master (đĩa cái), dập đĩa, thiết kế bìa đĩa, in ấn, xin giấy phép, phát hành... Tất cả chi phí đó đều tăng 20-100% trong khoảng hai, ba năm trở lại đây.

Ngay cả các diva, các giọng hát nổi tiếng cũng khẳng định phát hành album hay tổ chức live show trong thời điểm này đều nắm chắc sẽ lỗ. Tuy nhiên, vì yêu nghề, vì cần "tấm vé thông hành" để bước vào thị trường âm nhạc, cần khẳng định tài năng hoặc đẳng cấp, các ca sĩ vẫn phải phát hành album và tổ chức live show. Hẳn nhiên, họ không thể suốt ngày "làm từ thiện" bằng live show hay album của mình mà phải có cách "thu dư bù chi". Đó là "hét" thù lao thật cao trong các chương trình biểu diễn hay sự kiện được mời.

Thật "mê ly" khi biết catsê của một ca sĩ teen hiện nay cũng đã vào khoảng 15-20 triệu đồng/sô (hát 2-3 ca khúc), ca sĩ trẻ hay ca sĩ hạng B' đã 25-30 triệu đồng/sô, ca sĩ hạng B là 30-40 triệu đồng/sô, và ca sĩ hạng A thì từ 45-60 triệu đồng/sô (ngay cả thí sinh vừa thắng giải nhất VN Idol cũng đã đề nghị 2.000 USD/sô). Riêng các diva, ngôi sao ca nhạc thì dao động từ 5.000-10.000 USD/sô tùy đối tượng mời.

Đó cũng là lý do vì sao bạn yêu nhạc phải trả trung bình 500.000-2 triệu đồng/người cho một lần nghe nhạc tại phòng trà và 500.000-4 triệu đồng/người cho một lần nghe nhạc tại sân khấu lớn. Theo Công ty Tiếng Hát Việt - nhà sản xuất chương trình Dạ Tiệc Trắng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, với giá vé lên đến 4 triệu đồng, công ty đã đóng 60 triệu đồng tiền tác quyền cho khoảng 40 ca khúc biểu diễn trong chương trình.

Quỳnh Nguyễn
Nhiều yếu tố "bào mòn" ngành công nghiệp ghi âm VN

Ước tính để ra một album ở thời điểm hiện nay, chi phí sản xuất trung bình khoảng 250-300 triệu đồng/sản phẩm với 2.000 bản in. Với mức đầu tư như vậy thì mỗi album phải được bán với giá 100.000-150.000 đồng/album mới huề vốn. Thế nhưng phần lớn các album đều được bán với giá dưới 100.000 đồng. Ngay cả những album được thực hiện rất tốn kém và kỳ công tại nước ngoài như: Music of the night của Đức Tuấn cũng chỉ bán với giá 145.000 đồng, hay Li ti của Tùng Dương là 99.000 đồng, The unmake-up của Đoan Trang là 78.000 đồng... Chính việc các nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ vốn + đĩa lậu + nghe nhạc trực tuyến miễn phí đã "bào mòn" ngành công nghiệp ghi âm VN.


Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất