Quỳnh Giao
22.8.2006

Daniel Barenboim Con người có thể mắc bệnh điên chứ Daniel Barenboim thì tự chọn một cách điên.

Hôm 22 Tháng Tám vừa qua, ông biểu diễn nghệ thuật ấy tại đất Andalusia gần thành phố Séville của Tây Ban Nha, hôm sau bệnh của ông tái diễn tại thủ đô Âu Châu, thành phố Bruxelles của Bỉ.

Ông là một nhạc trưởng xuất chúng người Do Thái đã kiên trì tổ chức những buổi hòa nhạc gồm các nhạc công mà bình thường ra thì đang có mặt ngoài chiến trường, để bắn vào nhau. Dàn nhạc của ông gồm những nhạc sĩ trẻ, người Do Thái, Palestine và Á Rập. Và họ chơi nhạc để tìm cách vãn hồi hòa bình giữa hai sắc dân Do Thái và Á Rập.

Không điên, ai lại làm thế?

Mà không chỉ một lần!

Daniel Barenboim là nhân vật quốc tế ở nhiều khía cạnh, kể từ khi chào đời. Ông sinh năm 1942 tại Buenos Aires của xứ Argentina mà xưa ta gọi là Á Căn Ðình, tại Nam Mỹ. Cha mẹ ông là người Nga gốc Do Thái. Và ông hiện có hai quốc tịch, Do Thái và Tây Ban Nha (Spain).

Quỳnh Giao để ý đến ông từ lâu vì Jacqueline Dupré, người vợ tài hoa mà yểu mệnh. Daniel Barenboim chơi rất thân với các nhạc sĩ siêu hạng cũng người Do Thái là Itzhak Perlman, Zibin Meta và Pinchas Zuckerman. Hai vợ chồng và ba người bạn đã tủm tỉm tự xưng danh là "Mafia Do Thái của Âm Nhạc"! Họ nổi tiếng về tài nghệ và huyết thống, nhưng Barenboim còn nổi tiếng hơn vì chọn "ngả rẽ Kiều Phong", bước ra dạo nhạc dưới hai lằn đạn!

Daniel Barenboim là thần đồng âm nhạc, chữ này dùng không ngoa. Ông học dương cầm với mẹ, rồi với cha, trước sau không học đàn với ai khác. Mới lên bảy tuổi, cậu bé Daniel đã bước vào đấu trường: chính thức tấu nhạc tại Buenos Aires. Khi cậu lên mười, gia đình mới dọn về đất Do Thái và hai năm sau cha mẹ dẫn cậu lên đất Salzburg học lớp nhạc trưởng với Igor Markevitch, rồi chơi nhạc dưới quyền điều khiển của nhạc trưởng Wilhelm Furtwangler. Ðến năm 13 tuổi qua Paris học về hòa âm và viết nhạc với Nadia Boulanger.

Toàn những tên tuổi lẫy lừng trong thế giới âm nhạc cổ điển Tây Phương.

Thần đồng cũng cần đến sự tận tụy ân cần của cha mẹ và cần rất nhiều may mắn.

Trong suốt tuổi ấu thơ ấy, tay dương cầm thủ tý hon đã lưu diễn khắp nơi, Vienna rồi Roma, Paris rồi London, New York. Sau đấy là các buổi hòa nhạc trên khắp năm châu, Từ Âu Châu qua Nam Mỹ và Bắc Mỹ, Úc Châu rồi Á Châu.

Ðứng dậy từ cây đàn dương cầm, khi mới 25 tuổi Barenboim cầm đũa nhạc trưởng điều khiển dàn giao hưởng London Philharmonica Orchestra và được mời làm nhạc trưởng cho nhiều ban hòa tấu Âu Mỹ. Sau đó, trong 15 năm liền từ 1975 đến 1989, ông là giám đốc âm nhạc của dàn nhạc Paris, một vinh dự không nhỏ. Hai năm sau, ông bước lên bục thiêng của bậc thầy là Georg Solti, để điều khiển dàn đại hòa tấu của Chicago Symphony Orchestra cho tới Tháng Sáu vừa qua. Ngoài ra, Barenboim cũng điều khiển nhạc cho rất nhiều vở Opera nổi tiếng, kể từ 1973 cho đến gần đây. Tháng Năm vừa qua, ông được tôn vinh là Principal Guest Conductor của đại hý viện opera La Scala tại Milano, của Ý Ðại Lợi.

Trong khi làm nhạc trưởng, Barenboim tiếp tục chơi nhạc và thâu đĩa, nhờ vậy ngày nay người ta còn có thể nghe toàn bộ các bài sonatas cho dương cầm của Mozart và Beethoven hay các bài hợp tấu với dương cầm của Mozart (Barenboim vừa đánh đàn vừa điều khiển ban nhạc), của Beethoven (dưới cây đũa thần của nhạc trưởng Otto Klemperer, và sau đó dưới sự điều khiển của chính mình). Barenboim còn nổi tiếng ở các bài hợp tấu cho dương cầm của Bhrams và Bartok.

Một người đã lên tới đỉnh cao nghệ thuật âm nhạc như vậy, cớ sao lại còn điên?

Chỉ vì ông yêu loài người như yêu nhạc!

Dưới thời Ðức Quốc Xã của Hitler, người ta đã chọn nhạc Wagner làm biểu tượng và nghe thấy khúc nhạc hùng Die Walkure (Ride of the Walkyries) thì nạn nhân của chế độ Nazi tất thấy rùng mình. Là người Do Thái, Daniel Barenboim lại muốn trình diễn nhạc Wagner tại Jerusalem. Ông bị đồng bào đồng hương đồng đạo đả kích là "phát xít"!

Lời giải thích của người nhạc sĩ?

"Tôi đã nghe thấy giai điệu Walkyries trong cell phone của thiên hạ. Vì sao lại không được nghe nhạc khúc này trong thính đường?" Rất điên mà cũng đáng yêu chừng nào.

Khi Wagner viết nhạc, Hitler còn là hạt bụi, có lý nào vì Hitler thích nhạc Wagner mà người đời sau ở một số nơi lại không được nghe nữa?

Nhưng, điên vậy thôi chưa đủ. Daniel Barenboim còn công khai bày tỏ lập trường về việc chính quyền Do Thái chiếm đóng vùng West Bank của dân Palestine. Và để bày tỏ tình liên đới với dân Palestine, ông cầm đũa vào khu Westbank tấu nhạc cho họ nghe.

Con người kỳ quái ấy còn kết bạn với một trí thức người Mỹ gốc Palestine là Giáo Sư Edward W. Said.

Năm 1999, hai người lập ra một ban nhạc quy tụ các nhạc công Do Thái và Á Rập (dân Palestine cũng là người Á Rập). Họ muốn dựng lên cây cầu âm nhạc để nối nhịp cho hai dân tộc. Ban nhạc được lấy tên là West-Eastern Divan Orchestra, một cái tên rất lạ. Ðó là tuyển tập thơ của thi hào Ðức nổi tiếng hoàn vũ, Johann Wolfgang von Goethe, sau khi Goethe đọc kinh Koran của người Hồi Giáo!

Edward Said đã tạ thế nhưng dàn nhạc West-Eastern Divan Orchestra vẫn sinh hoạt và đi lưu diễn trong khi Trung Ðông mịt mù khói lửa. Tuần qua, chuyến lưu diễn bị hủy ở một vài nơi, như tại xứ Turkey, và Barenboim bị các phần tử Hồi Giáo quá khích kết án là thi hành kế hoạch "chiêu hồi" của chính quyền Do Thái!

Thực ra, tham vọng của Daniel Barenboim còn lớn hơn thế.

Ông không muốn West-Eastern Divan Orchestra chỉ gieo mầm hòa bình bằng nhạc. Ông còn muốn rằng đấy là nơi mà các nhạc sĩ gặp nhau, hiểu nhau và kính trọng nhau trong khi thao dượt và hòa nhạc.

Ngày xưa, hình như có Khổng Tử là người coi nhạc như lễ và có khả năng cải thiện hồn người. Ngày nay, một bậc sư về nhạc cũng muốn làm lại việc ấy. Chỉ mong rằng Barenboim không bị những người quá khích bắt cóc vì ông là nhân vật quá nổi tiếng nên sẽ gây tiếng vang cho hành động của họ. Trường hợp ấy mà xảy ra, họ mới là người điên, và Daniel Barenboim là bậc hiền triết.

Ngoài đời, ông không là một nhạc trưởng hiền lành, vì rất khó tính với các nhạc công trong lúc tập dượt. Ông khó tính trước tiên với chính mình, khi chọn một con đường âm nhạc đầy chông gai mà quá cần thiết cho nhân loại. Âm nhạc như một cây cầu nối nhịp hòa bình.

Ước gì cũng có nhiều người điên như vậy!

Quỳnh Giao

Nguồn: Người Việt, Tuesday, August 22, 2006
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất