Huy Phương

Minh Trang
Cụ bà Minh Trang

Trong một cuộc gặp gỡ với chúng tôi trong căn nhà dành cho người cao niên trên đường Ross, Santa Ana, vào tháng 8, 2005, tháng sinh của bà, ca sĩ Minh Trang, ngày đó đã 85 hồi tưởng lại một ngày cách đây 56 năm, hơn nửa thế kỷ trôi qua, đã cảm động thốt nên lời: "...ngày ấy, dường như mới hôm qua!"

Ngày ấy là một ngày mùa Xuân năm 1949, khi người ca sĩ đài phát thanh Pháp Á, Minh Trang được lời mời từ Saigon ra Hà Nội hát cho Hội Chợ Tết của Thủ Hiến Nguyễn Hữu Trí tổ chức. Cũng nơi đây, bà đã gặp người nhạc sĩ Dương Thiệu Tước buổi đầu tiên, mặc dầu trước kia Minh Trang đã hát nhạc Dương Thiệu Tước nhiều lần, nhưng không biết ông là ai. Người đẹp đất Thần Kinh và chàng trai tài hoa Hà Nội gặp nhau đã để lại cho đời những tác phẩm tuyệt đẹp như "Ngọc Lan," "Sóng Lòng," "Buồn Xa Vắng," "Bóng Chiều Xưa."... Chỉ khi yêu say đắm, người ta mới viết nỗi những dòng nhạc như Ngọc Lan, tả hoa cũng là nói về người, viết nên những lời như "nhạc ướp men thơ" để tôn vinh thanh sắc của người mình yêu dấu.

Như một định mệnh, Nguyễn thị Ngọc Trâm chào đời ngày 18 tháng 8 năm 1921 tại một nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến Ngự, thành phố Huế. Hai mươi lăm năm sau, một khúc hát bất hủ mang tên "Đêm Tàn Bến Ngự" ra đời, được viết nên bởi một nhạc sĩ tài hoa, đã gắn liền với tên cô, ngày nay đã trở thành một danh ca mang tên Minh Trang. Tác giả bản nhạc đó là Dương Thiệu Tước, cũng là người chồng sau này của cô, cả hai đã tạo nên một gia đình âm nhạc và để lại cho thế gian những tình khúc bất tử.

Ở Huế vào cuối thế kỷ 19, người ta biết nhiều tới Mỹ Lương Công Chúa hay Bà Chúa Nhứt, là chị ruột của Vua Thành Thái. Bà là người dòng dõi nhưng không câu nệ, tính rất nghệ sĩ. Trong nhà bà Chúa có nuôi hẳn một ban hát tới mấy chục người và có riêng một ban ca Huế. Vị công chúa đó là bà ngoại của ca sĩ Minh Trang, do đó khi lớn lên, vì thân phụ là cụ Nguyễn Hy nhiều khi phải đáo nhậm những nhiệm sở xa, bà Minh Trang có dịp được gần gũi với bên ngoại. Nhờ những âm thanh ca Huế thấm nhuần vào tâm hồn trong tuổi ấu thơ, mới bảy tám tuổi, bà đã thuộc những bài cổ nhạc, ca Huế như những khúc Nam Ai, Nam Bình, Kim Tiền, Lưu Thủy... Tuy nói giọng Quảng vì thân phụ bà là gốc người Quảng Ngãi, chất Huế trong người bà đã khiến cho bà hát bản "Đêm Tàn Bến Ngự" một cách dễ dàng như chính tác giả đã viết bài này ra để dành riêng cho cho bà, người ca sĩ, đó là Minh Trang.

Lớn lên trong khung cảnh của một danh gia vọng tộc một thời ở đất thần kinh, cũng như những gia đình khác có lẽ tân nhạc vẫn còn là một điều gì mới mẻ, tuy vậy bà Minh Trang là người sớm hấp thụ nền văn hóa Tây phương. Lúc nhỏ bà theo học trường Jeanne d' Arc, một trường dòng danh tiếng ở Huế và đã bắt đầu làm quen với những phím dương cầm từ đó. Lên trung học, bà theo gia đình ra Hà Nội. Vào khoảng 1941, thân phụ bà về nhậm chức tại Bộ Lại (tức là bộ Nội Vụ) tại Huế, bà lại theo về học tại Lycée Khải Định. Tại đây bà gặp một ông thầy dạy Việt Văn là ông Ưng Quả, cũng là vị "phụ giáo" của triều đình Huế. Hai người, một thầy, một trò đã tỏ ra tâm đầu ý hợp và tiến đến hôn nhân. Tuy lúc đó Thầy Ưng Quả là một người đàn ông góa vợ đã có hai con trai, nhưng cả hai gia đình đều là những gia đình quyền quí ở Huế, thầy Ưng Quả là cháu nội của Tuy Lý Vương, bà Minh Trang là cháu nội của Diên Lộc Quận Công, phải nói là rất "môn đăng hộ đối." Hai người sinh hạ được một trai là Bửu Minh và một gái là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang (tức là ca sĩ Quỳnh Giao). Bà dùng tên của hai người con ghép lại để làm nên cái tên âm nhạc cho mình là Minh Trang.

Minh Trang
Ca sĩ Minh Trang (giữa) cùng con trai Bửu Minh (T) và con gái Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao)

Năm 1951, Giáo Sư Ưng Quả, lúc đó là Giám Đốc Nha Học Chính Trung Phần qua đời, bà Minh Trang đem hai con vào Saigon, và tìm được một việc làm tại Đài Phát Thanh Pháp Á (France-Asie), vừa là xướng ngôn viên vừa làm biên tập tin tức bằng tiếng Pháp. Sự việc Minh Trang trở thành ca sĩ cũng là chuyện tình cờ không tính trước, trong chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Đức Quỳnh, vì ca sĩ chính không đến đài hát được, bà phải miễn cưỡng thay chỗ, và ca khúc duy nhất bà thuộc lúc ấy là "Đêm Đông" của NS Nguyễn Văn Thương. Nhờ giọng hát thiên bẩm - theo bà nói - từ đó gần như bà trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, ngoài chuyện bà là ca sĩ chính của Đài Pháp Á, về sau trở thành Đài Phát Thanh Quốc Gia, bà Minh Trang còn đi hát "phụ diễn" trên sân khấu, một lối trình diễn rất thịnh hành hồi ấy tại các rạp chớp bóng trước khi cuốn phim chính được trình chiếu.

Minh Trang & Dương Thiệu TướcTiếng hát của bà bay ra Hà Nội và được các nhạc sĩ đương thời ngoài đó rất yêu mến, thường gởi bài vào cho bà hát như các nhạc sĩ Vũ Thành, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Hoàng Giác, Thẩm Oánh, Thiện Tơ... Trong một lần ra Hà Nội theo lời mời của Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí khi ông này tổ chức Hội Chợ, bà đã hát trong ban Việt Nhạc và gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tại đây.

Hai người nghệ sĩ này, Minh Trang-Dương Thiệu Tước kết hôn năm 1951 tại Saigon và sau đó sinh hạ được năm người con, một trai Dương Hồng Phong và bốn gái Vân Quỳnh, Vân Khanh, Vân Hòa, Vân Dung. Cũng như Bửu Minh và Đoan Trang, các con của ông bà đều được theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc với sự dìu dắt của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ngày nay Quỳnh Giao, Vân Quỳnh đã trở thành ca sĩ. Dương Hồng Phong tốt nghiệp vĩ cầm tại Quốc Gia Âm Nhạc và Bửu Minh du học Pháp năm 1961 nay là dương cầm thủ chính (đệ nhất vĩ cầm) trong ban nhạc đại hòa tấu "Staatsphihlarmonic Rheinland Plalz" của Đức Quốc.

Sau biến cố tháng 4, 1975, các cô con gái đã lập gia đình đều đã ra đi, nhưng ông bà Dương Thiệu Tước còn ở lại Việt Nam, lý do là con trai duy nhất của hai người, Dương Hồng Phong, động viên năm 1972 đang bị kẹt tại Chu Lai và bị bắt làm tù binh. Với số lương 64 đồng một tháng dành cho Giáo Sư Dương Thiệu Tước dạy lục huyền cầm cổ điển, hai ông bà phải sống trong những điều kiện vô cùng chật vật. Bà Minh Trang kể lại suốt trong những ngày đen tối, công việc của bà là ngồi lượm sạn và bông lúa để lo bữa cơm cho chồng con, trong khi đứa con trai tù tội vẫn chưa về. Năm 1978 khi Dương Hồng Phong ra tù, bà nghĩ đến việc phải rời đất nước. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vì thường đau ốm nên không muốn đi. Bà Minh Trang cùng ba con đến Thái Lan vào cuối năm 1979, và đi định cư tại Virginia. Ở đây bà làm nghề "quality control" cho một hãng microfilm và ngay cả làm "baybysitter" trong một gia đình người Pháp.

Năm 1986, bà theo con về cư ngụ tại quận Cam vì bà đã chán cái cảnh cào tuyết những ngày mùa Đông ở Virginia, cũng là lúc bà bước vào tuổi hưu trí. Ở đây bà cảm thấy sức khỏe tốt hơn, và vui với các cháu ngoại ở quanh quẩn trong vùng, tuy bà vẫn còn hai người con trai ở xa, Bửu Minh tận Đức Quốc và Dương Hồng Phong ở New York.

Những ngày cuối cùng, trước khi vào bệnh viện, bà Minh Trang sống trong một căn apartment dành cho người cao niên rất yên tĩnh. Thú vui của bà là nghe nhạc và nhất là bà rất chịu khó theo dõi tin tức thời sự. Bà tâm sự rằng ít khi bà nấu nướng, vì các con gái bà đều ở gần "có bát canh cần nó cũng mang cho." Thỉnh thoảng các con ghé lại chở mẹ đi thăm người quen hoặc ghé qua chợ mua một vài thứ lặt vặt. Bà thích sống một mình như thế đã hơn mười năm qua mà không cảm thấy cô đơn, vì các con rất gần gũi với bà. Trong lúc ngồi tiếp chuyện tôi, bà trả lời điện thoại của những người con gái gọi lại hai lần. Bà tâm sự, bây giờ con cái đều bận bịu công việc, khó có thể quanh quẩn bên mình, ở căn cư xá này rất tiện, mỗi khi có ốm đau hay cần chuyện cấp cứu bà chỉ kéo nhẹ đầu dây báo động, là có nhân viên y tế đến giúp ngay.

Trên bàn thờ nhỏ ở phòng khách là hình ảnh những người đã quá vãng, trên vách tường là những hình ảnh của của người sống. Đó là thế giới của bà, thế giới của hồi tưởng, của kỷ niệm hay thế giới ấm áp của con cháu đang vây quanh tuổi già của bà. Cho đến ngày phải vào bệnh viện vì ốm đau, bà lúc nào cũng thấy nhanh nhẹn, tráng kiện, tóc phơ phơ bạc, dù đã gần 90, trí nhớ còn rất minh mẫn.

Huế còn nhớ tới Minh Trang, tên tuổi một thời, thính giả đài Pháp Á không quên tên người ca sĩ này. Cái tên Minh Trang hình như gắn liền với âm điệu của một làn dân ca Huế, nỉ non và cũng ai oán trong "Đêm Tàn Bến Ngự" cũng như với cái tên Dương Thiệu Tước. Cuộc đời sinh ra bà để chúng ta có những tình khúc dịu dàng, thơm tho như một khu vườn Huế những đêm trăng, đó là "Ngọc Lan," là "Sóng Lòng."...

Minh Trang
Cụ bà Minh Trang và con cháu

Ca sĩ Minh Trang đã ra đi thanh thản vào trưa thứ ba ngày 17 tháng 8, 2010, tại thành phố Garden Grove, California, hưởng thọ 90 tuổi. Nghĩ đến bà, chúng tôi như nghe âm điệu của khúc nhạc "Đêm Tàn Bến Ngự" ở đâu đây. Hình như bà vẫn ngồi đó, giọng nói nhỏ nhẹ, nụ cười hiền lành. Câu nói của bà chúng tôi vẫn còn nhớ, và giờ đây tôi vẫn nghĩ như bà: "Ngày ấy, dường như mới hôm qua..."

Huy Phương

Nguồn: http://saigontimesusa.com
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất