Nguyễn Trâm Anh
8.5.2012

SGTT.VN - Thông tin nhiều công ty âm nhạc, giải trí đang bên bờ phá sản đã khiến nhiều người phải xuất hiện trên báo chí để đính chính. Dù mọi tin đồn đều được cho là thất thiệt, nhưng có một thực tế là, các công ty âm nhạc, các hoạt động biểu diễn đang tồn tại một cách cầm chừng với muôn vàn khó khăn.

Đầu tư lúc này là quá mạo hiểm

Hai công ty âm nhạc, quản lý ca sĩ thuộc dạng lớn trong vài năm qua là Music Faces và Early Risers Music cũng không thoát cảnh khốn khó. Cuối năm 2011, khi làm chương trình Hoà nhạc cuối năm, Đức Trí đã phải chạy đôn chạy đáo để kiếm tiền, đến giờ chót vẫn còn thiếu cả trăm triệu đồng, vé bán ra chậm. Lúc đó, Đức Trí đã nửa đùa nửa thật rằng anh có nhà và có xe nhưng chưa biết sẽ bán cái nào trước đây.

Thời hoàng kim của Music Faces với hàng loạt gương mặt độc quyền đã qua. Các gương mặt trẻ từng đầu quân về cho Music Faces như Phạm Anh Khoa, Suboi... cũng dần tách ra hoạt động độc lập bởi làm ca sĩ độc quyền thời điểm này hoàn toàn bất lợi do công ty không có ngân sách để đầu tư cho sự phát triển của ca sĩ như trước đây.

Thanh Bùi, Hà Okio, Thảo Trang... từng là những gương mặt độc quyền của Early Riser Music cũng chuyển sang dạng hợp tác. Thực chất là họ bắt đầu con đường tự tìm kiếm giải pháp và tự mình xoay xở. "Mỗi lần làm video ca nhạc hoặc thực hiện các kế hoạch của mình, tôi đã dự kiến tự tìm tài trợ, nhà đầu tư cá nhân riêng. Với công ty, ở thời điểm này, sự hợp tác có thể chỉ còn dừng lại ở mặt danh nghĩa mà thôi", Hà Okio chia sẻ về hợp tác với Early Riser.

Đầu tư vào ca sĩ lúc này như một dự án mạo hiểm khi mà đĩa bán không được, show ca nhạc ngày càng ít. Vì thế, các hoạt động này dường như giậm chân tại chỗ.

Ngôi sao làm show cũng lỗ tiền tỉ

Với những ca sĩ đã có tên tuổi trên thị trường giải trí, ở thời điểm khủng hoảng kinh tế, họ cũng không thoát khỏi khó khăn. Thanh Thảo làm liveshow Chuyện đã lỗ 1,4 tỉ đồng. Đức Tuấn làm Thiên thai ở hai nơi lỗ đến 2 tỉ đồng. Để thực hiện một chiến dịch duy trì tên tuổi ở thời điểm này, họ phải chấp nhận và cầm chắc lỗ vốn.
"Chúng tôi lên kế hoạch cho liveshow của Đức Tuấn trước khoảng một năm, đến khi kinh tế rơi vào khó khăn, chúng tôi không thể dừng lại được. Hợp đồng với các đối tác nước ngoài đã ký kết trước cả nửa năm", Phú Hải, người quản lý của Đức Tuấn cho biết.

Đã nằm ở hàng "chiếu trên", Đức Tuấn không thể dừng lại các hoạt động của mình. "Chừng nào còn khách mua vé thì vẫn phải làm, nếu dừng lại, mình sẽ chết theo thị trường. Thà hoạt động cầm chừng còn hơn là phải dừng lại", Phú Hải nói về chiến lược của Đức Tuấn.

Vì thị trường quá khó khăn nên hầu hết các chương trình ca nhạc là của cá nhân tự bỏ tiền làm, hiếm các chương trình tổng hợp với quy mô lớn. "Các ca sĩ có nguồn dự trữ của mình nên còn hoạt động cầm chừng, còn các công ty tổ chức biểu diễn thì hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Các chương trình giải trí tạp kỹ, tổng hợp lớn không còn xuất hiện nữa bởi nhà tổ chức cầm chắc rằng làm là lỗ. Đó là chưa kể, làm sao chúng tôi có thể bán vé được khi truyền hình đang nhan nhản các chương trình giải trí hoàn toàn miễn phí do các thương hiệu tài trợ", đạo diễn Trần Vi Mỹ nói.

"Đại gia" cũng phải gói ghém

Sân chơi ca nhạc vì thế trở thành đất của một hai "đại gia". Ai khó thì khó, Mr. Đàm'show vẫn diễn ra định kỳ hàng tháng. Tháng 7 này, Đàm Vĩnh Hưng cho biết sẽ làm liveshow lớn nhất từ trước đến nay, chưa kể các dự án phim nhựa liên quan tới ca khúc Tuổi hồng thơ ngây cũng rục rịch bắt đầu. Hay Minh Khang, khi thực hiện liveshow Đối thoại ký ức đã quyết định không bán vé, chỉ dành cho khách mời.

"Ở thời điểm này, hầu hết các liveshow đều là của các cá nhân, như Đàm Vĩnh Hưng sẵn sàng bỏ ra 3 – 4 tỉ đồng để làm show. Làm show thời điểm này là để duy trì tên tuổi, đừng lỗ quá nhiều là may lắm rồi", đạo diễn Trần Vi Mỹ, người chuẩn bị bắt tay làm liveshow cho Đàm Vĩnh Hưng nói. Anh cũng cho biết thêm, đây thực sự là một giai đoạn cực kỳ khủng hoảng của làng ca nhạc bởi mọi thứ không chuyển động.

Tuy được xem là mạnh tay và chi bạo tại thời điểm các gương mặt khác "ngủ đông", Đàm Vĩnh Hưng cũng có những tính toán về doanh thu. Mr. Đàm'show vừa dời ra sân khấu ngoài trời 126 thay vì nhà hát TP.HCM như trước đây để giá vé rẻ hơn, chỉ với khoảng 100.000đ/ vé. Không những thế, êkíp thực hiện cũng phải gói ghém đủ thứ, từ việc sử dụng lại đạo cụ, cảnh trí cho đến cách... năn nỉ ỉ ôi nhà cung cấp ánh sáng, sân khấu nhằm tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn.

Tuy nhiên, đang có hai sự kiện được xem là tia hy vọng cho làng giải trí, đó là Bước chân miền Trung – chương trình tạp kỹ với 2 suất/ngày mà bán DVD vẫn đạt hiệu quả doanh thu và liveshow xuyên việt của ca sĩ Mỹ Linh. "Dù chỉ là 1% hy vọng, chúng ta vẫn phải cố gắng làm điều gì tốt nhất. Khó khăn hơn gấp bội, nhưng thà làm việc với khó khăn còn hơn là dừng lại để rồi chết luôn", Trần Vi Mỹ nói.


Nguyễn Trâm Anh

Theo SGTT
 
Nhạc sĩ Quốc Trung: Liveshow thiếu yếu tố bất ngờ

Nhạc sĩ Quốc Trung, người thành lập công ty âm nhạc Thanh Việt Production, cũng lý giải: làm sao khán giả có thể bỏ tiền triệu mua vé xem liveshow được khi khoảng 5 năm qua, show nào cũng như show nấy, thiếu vắng các yếu tố bất ngờ, hấp dẫn. Trình độ thưởng thức của người xem càng lúc càng cao, họ tiếp cận với công nghệ giải trí của thế giới ngày càng nhiều, vậy thì tại sao họ phải mua vé xem ở sân khấu lớn khi cùng một bài hát đó, lối trình diễn đó, trang phục đó, ca sĩ đã diễn y chang trong một chương trình truyền hình rồi.

Công tác tổ chức sản xuất show diễn thiếu đầu tư chuyên môn khiến khán giả nhàm chán dẫn đến tình trạng khó khăn như thời điểm hiện tại. Các ca sĩ trẻ đầu quân về hàng loạt công ty giải trí với hình ảnh, tóc tai, phục trang và dòng nhạc na ná nhau, hoàn toàn không có dấu ấn cá nhân. Hoặc nhiều ca sĩ tên tuổi một thời nay quay lại làm show, diễn những chiêu trò như bay từ trực thăng mô hình y chang như những ý tưởng bay từ trên bay xuống, bay từ trái qua phải trên sân khấu như cả chục năm cách đây.

Thiếu sáng tạo lại còn không chuyên nghiệp thì sẽ dễ dàng dẫn đến lãng phí. “Ở nước ngoài, nghệ sĩ làm show xong sau đó sẽ tận dụng phục trang, đạo cụ, bối cảnh để cho chương trình tiếp theo. Hầu hết các chương trình đều lên kế hoạch theo kiểu tour diễn. Chính điều này đã làm cắt giảm chi phí sản xuất rất nhiều”, Quốc Trung nói. Riêng Việt Nam, công nghệ sản xuất và chiến lược của nghệ sĩ ít khi chọn các phương án diễn theo tour. Hiếm hoi lắm mới có những tour xuyên Việt, diễn ra tại 5 – 6 thành phố như kiểu Và em sẽ hát của Mỹ Linh, Vui của Lê Cát Trọng Lý, Unitour của Uyên Linh… Bước chân miền Trung là chương trình giải trí tạp kỹ gần bốn tiếng đồng hồ, đầu tư quy mô với sự tham gia của vài chục nghệ sĩ. Nếu chỉ diễn một lần rồi thôi thì chúng tôi cầm chắc lỗ. Nhưng chúng tôi đã liều mình làm luôn hai suất diễn/ngày để tận dụng lại những gì đã đầu tư. Và bài toán tận dụng lại này đã khẳng định chúng tôi thành công khi doanh thu đem về đạt như mong ước”, Đàm Vĩnh Hưng nói về kinh nghiệm làm chương trình của anh vừa rồi.

Sắp tới, đạo diễn âm nhạc Quốc Trung cũng sẽ áp dụng kinh nghiệm tận dụng khâu sản xuất trong liveshow Cầm tay mùa hè 2 của hai “diva” Thanh Lam và Mỹ Linh vào hai ngày 9 và 10.6 tại nhà hát lớn Hà Nội. Êkíp thực hiện liveshow cho biết, họ hy vọng với giá vé từ 800.000 – 2,5 triệu đồng, chương trình được đầu tư tử tế nhưng không lãng phí, sẽ khiến chương trình không phải lỗ vốn.


Nhạc sĩ Huy Tuấn: “Chúng tôi không được luật pháp bảo vệ”
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Huy Tuấn hết sức bức xúc khi được hỏi về tình trạng tồn tại cầm chừng của nền âm nhạc hiện nay và đứng trước nguy cơ nhiều công ty âm nhạc phá sản. “Kinh tế khủng hoảng chỉ là một phần. Thực tế thì tôi chẳng muốn nhắc lại một lý do ngàn đời, nói hoài nói mãi mà chẳng đi đến đâu là câu chuyện về đĩa lậu, bản quyền âm nhạc và việc thực thi luật pháp trong vấn đề này”, Huy Tuấn bức xúc. Anh lý giải: “Ca sĩ không thể nào bán được đĩa vì nạn ăn cắp bản quyền. Vậy thì làm sao đủ thu hồi vốn, làm sao đủ tiền làm liveshow đàng hoàng, tử tế. Và câu chuyện khó khăn trong thị trường ca nhạc là tất yếu. Pháp luật đã không bảo vệ nổi chúng tôi trước những khó khăn này”.

Nhạc sĩ Huy Tuấn đã chứng kiến rất nhiều lần, ngay sau khi album ca nhạc của ca sĩ vừa được gửi tặng trong buổi họp báo thì ngay trong đêm đó, toàn bộ đĩa nhạc đã tung lên mạng và được người nghe download hoàn toàn miễn phí. Biết bao nhiêu người đã gửi thư, kiện tụng nhưng mọi chuyện vẫn như “ném đá ao bèo”. Sau nửa năm phát hành, album Bộ đội của Thái Thuỳ Linh chỉ bán được chừng 300 bản trong khi tám trang web đăng tải ca khúc của cô miễn phí và số tiền bản quyền nếu đòi được có thể lên đến vài trăm triệu đồng. “Nếu luật bản quyền được thực thi, luật pháp bảo vệ được nghệ sĩ thì làm gì đến mức khốn khó thế này”, Huy Tuấn nói.

Cũng vì những lý do đó mà kế hoạch làm liveshow cho Văn Mai Hương dự kiến từ đầu năm nay cũng phải lần lữa đến cuối năm. Thậm chí ngay lúc này, khi chuẩn bị sản xuất album ca nhạc cho Văn Mai Hương, dự kiến sẽ ra mắt trong ba tháng nữa, nhạc sĩ Huy Tuấn và êkíp thực hiện phải vừa lo việc làm album vừa tính đến việc đối phó được với nạn đĩa lậu, sao chép tràn lan trên mạng.

Theo http://sgtt.vn/Van-hoa/163857/%E2%80%9CChet-lam-sang%E2%80%9D-con-vi-nhung-ly-do-co-huu.html
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất