QuỳnhGiao
21.2.2006

Lê ThươngNhạc sĩ viết ca khúc thuộc loại hay nhất cho thiếu nhi, bài "Tuổi Thơ", lại có thể là một "thằng Cuội già". Ðặc biệt là vì ông lỡ... "ôm một mối mơ".

Hai ca khúc của ông, "Tuổi Thơ" và "Thằng Cuội", nằm trong danh mục không thể thiếu của nhạc thiếu nhi...

Viết về những truyền thuyết tỏa xuống từ vầng nguyệt, ông không đặt tên là Chị Hằng, Hằng Nga, hay Cung Quế, Cung Quảng, hoặc Chú Cuội. Ông viết về "cây đa to có thằng Cuội già ôm một mối mơ." Bài ca có tên là "Thằng Cuội", có lẽ ca khúc duy nhất có chữ "thằng"!

Với câu "sướng thay cho đời tuổi thơ, mỗi trang là một bài thơ", bài Tuổi Thơ này khởi đầu như một bức tranh:

Trời xanh, xanh ngắt
Hương thơm, thơm ngát...
Bàn tay năm ngón cùng xinh
Màu da trong trắng mượt tinh...

...

Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên...

Người viết là một nhân vật thường ra chúng ta chỉ có thể gặp trong tiểu thuyết.

Ông là người lang bạt kỳ hồ, từng trôi dạt từ Bắc vào Nam và làm đủ nghề, từ đốc công đồn điền cao su tới đạo diễn điện ảnh, giáo sư về sử và nhạc. Ông là người duyên dáng, có tài thuyết giảng, cực kỳ uyên bác đằng sau cái vẻ xuề xòa và tiếng cười hồn nhiên.

Ông lại là một trong những người khai phá ra nền tân nhạc Việt Nam, từ 70 chục năm trước.

***

Nhân vật ấy là Lê Thương. Một người xuất hiện trong một giai đoạn thê lương của đất nước và quả là đã "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi", theo lối viết của Phạm Duy.

Sau biến cố 1975, gia đình ông gặp nhiều cảnh tang thương, bản thân ông sống trong khổ cực. Nhưng, trước sau Lê Thương vẫn là người ôm nhiều hoài bảo cho tuổi thơ.

Ông thường nói nhiều về những giấc mơ của ông cho các em thiếu nhi, nhưng không có điều kiện xây dựng và điều khiển một trung tâm sinh hoạt thiếu nhi chắc chắn là rất rực rỡ tươi đẹp. Những gì tuổi thơ nhận từ Lê Thương là một số bài ca bất hủ gần như em nhỏ nào cũng thuộc. Nhưng, so với những hoài bão của ông cho tuổi thơ, phần di sản đó vẫn còn ít ỏi và trẻ thơ nước ta hát nhạc Lê Thương mà có khi quên mất người.

Ở một hoàn cảnh tốt đẹp khác, Quỳnh Giao nghĩ rằng nước ta đã phải có một vườn hoa cho thiếu nhi mang tên Lê Thương.

***

Lê Thương là người viết rất nhiều truyện ca và hùng sử ca để các thế hệ về sau khỏi quên văn hóa và lịch sử nước nhà. Ngày nay, nhớ Lê Thương, ai ai cũng nhắc đến liên khúc "Hòn Vọng Phu" và những lời ca bi hùng mình nghe từ khi còn thơ ấu chưa hiểu gì.

Thời xưa, nền giáo dục trung tiểu học của chúng ta đã có những sơ sót đáng tiếc. Ðáng lẽ, trong chương trình giảng văn cho các em đã phải có những bài giảng về lời ca trong một số tác phẩm lớn và có giá trị về văn học nghệ thuật. Ba bài Hòn Vọng Phu phải nằm trong danh sách ấy.

Chính là hình ảnh trong truyện ca đó mới dẫn chúng ta đến chỗ hiểu và yêu Chinh Phụ Ngâm và những trang hùng sử của dân tộc. Ðặc biệt là hào khí trong ba bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương lại không u uẩn như hình tượng hòn vọng phu có thể gợi lên. Nhớ đến "tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt" của Nguyễn Công Trứ, một bài hát nói trong các chương trình trung học, chúng ta tiếc là trẻ thơ lại không thuộc lời ca và cả xuất xứ của những điển tích hay hình tượng trong Hòn Vọng Phu, gần gũi hơn nhiều lắm.

Quả như ông viết trong lời kết của bài cuối, trường ca Hòn Vọng Phu đã là:

Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu,
từ bóng cây ngôi mộ bên đường,
từ mái tranh bên đình trong làng,
nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống,
bao mối thương vang dậy trong lòng.

Gần như ai cũng thuộc lời ca Hòn Vọng Phu trước khi vào tới trường để rồi được làm quen với thơ Nôm của Ðoàn Thị Ðiểm dịch từ thơ cổ của Ðặng Trần Côn, như:

"bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mù,
bên Tiêu tương còn thương tiếc bao ngàn trùng",

Hoặc những kỳ tích của lịch sử nước nhà:

"Ðò vạn lý, đò ải quan, đò rừng lá nước trong, bao cá lội từng đàn
Thành Cổ Loa, đền Vạn Kiếp, bao tháng năm vẫn chưa xóa nhòa..."

Nếu so sánh lời ca ấy với một số tác phẩm xuất hiện trong cùng giai đoạn thì mới thấy Lê Thương đi sớm hơn các tác giả đồng thời của ông.

***

Lê Thương là người đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ và nghệ sĩ và còn có một biệt tài nằm ngoài lãnh vực âm nhạc: không chỉ là đạo diễn Lê Thương còn là một diễn viên có tài.

Ông từng thủ vai linh mục thật xuất sắc trong một cuốn phim do Hà Thúc Cần đạo diễn, dựng từ tác phẩm của Nhã Ca về Huế trong Mậu Thân. Cuốn phim "Ðất Khổ" này lại bị Bộ Thông Tin và Dân Vận thời ấy không cho chiếu vì nội dung quá bi thảm, nên đa số chúng ta không được thấy tài nghệ của một Lê Thương tài tử điện ảnh. Ðất nước ta thiếu may mắn cũng trong ý nghĩa đó.

***

Tân nhạc Việt Nam đã trải qua bảy thập niên, thời gian coi như một đời người, từ thuở sơ sinh cho tới tuổi già. Lê Thương có góp phần nuôi dưỡng và phát triển nền tân nhạc đó ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Thế giới hôm nay đang kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Mozart. Riêng Quỳnh Giao lại nhớ tới một người có công lớn với nền tân nhạc và tuổi thơ của Việt Nam, nên mới có lời tri ân gửi tới Lê Thương. Cứ nhìn lên vầng trăng là lại nghe thấy tiếng cười của ông.

Lê Thương từ giã chúng ta đã được 10 năm rồi.

Quỳnh Giao

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=40179
  
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất