Nguyễn Phương
2007

Phùng HáNhững lần về thăm quê hương, người đầu tiên trong các bạn bè mà chúng tôi đến thăm là cô Bảy Phùng Há. Cô cư ngụ ở chùa Nghệ Sĩ, Gò Vấp. Cô Bảy Phùng Há là biểu tượng đáng tôn kính của ngành nghệ thuật sân khấu cải lương. Cô vừa là chứng nhân, vừa là người có công lao lớn trong việc làm nên lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam nhưng cuộc đời cô cũng lắm nỗi đa đoan. Cô và nghệ sĩ Năm Châu – những con người tiền phong cố gắng xây dựng một nền cải lương "Đẹp"... những năm tháng trên sân khấu, những vai diễn, những thông cảm và thấu hiểu đã kết nên một mối tình dù không trọn vẹn nhưng cuối cùng Tình Yêu và Nghệ Thuật đã kết tinh thành một khối ngọc trong sáng.

- Thưa cô Bảy, cô đã cống hiến trọn đời cho sân khấu cải lương, cô Bảy có nhớ những gì về thời thơ ấu của cô không?

Cô Bảy Phùng Há, mắt nheo lại, nhìn xa xôi như để gợi nhớ lại chuyện xưa, kể cho tôi chuyện đời gian khổ của cô lúc thiếu thời. Cô nói, giọng trầm buồn: "Má tôi kể, cha tôi ở Việt Nam làm ăn rất phát đạt... Theo tập tục của dòng họ, cha tôi là con trai trưởng nên khi má tôi sinh hạ được đứa con nào vừa biết nói bập bẹ cũng đều phải đưa sang Hạc San (Quảng Đông – Trung Quốc) cho bà chánh thất nuôi để học chữ Hán, kế thừa giềng mối của gia tộc. Các anh các chị tôi đều được gởi về quê ở Quảng Đông (Hạc San). Có người ở lại luôn bên đó.

Lúc tôi được 4 tuổi, cha tôi đau yếu luôn nên cho gọi anh hai tôi, Trương Tích Kỳ, trở về Việt Nam giúp cha tôi quán xuyến việc làm ăn. Năm tôi lên 5 thì cha mất. Má tôi dẫn mấy anh em tôi đưa hài cốt cha về Hạc San an táng và ở lại thọ tang cha tôi... Sau đó má đưa chúng tôi trở về Việt Nam. Đến năm tôi 11 tuổi, má tôi bị bên nhà chồng bắt buộc nên phải đưa tất cả các anh chị em tôi trở về Hạc San nhưng má chịu không nổi những tập tục, nghi lễ phong kiến bên đó mà người vợ thứ phải tuân theo với bà chánh thất, muốn trở về Việt Nam nhưng má không có tiền. Chị tôi lén bán tư trang, mua vé tàu cho má tôi về Việt Nam.

Phùng Há
NSND Phùng Há. Ảnh trong bài: HUỲNH CÔNG MINH

Khi má con tôi về đến Mỹ Tho, anh Hai chẳng những không mừng mà còn kiếm chuyện gây gổ với má tôi. Anh ghiền thuốc phiện và muốn một mình thao túng cái gia sản của cha tôi nên thốt ra nhiều lời bất hiếu với má. Được biết anh mưu đồ, mua vé tàu và nhờ người đưa hai má con tôi trở lại Hạc San, nên má dẫn tôi về ở với bà ngoại ở làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, Mỹ Tho. Từ đây bắt đầu một cuộc sống mới và cũng là bước ngoặt trong đời tôi".

- Thưa cô, như vậy thì cơ duyên nào đưa cô vào nghiệp cầm ca?

"Phải tin là có sự an bài của Tổ nghiệp! Khi về sống bên ngoại thì bà ngoại tôi đau mắt, không tiền thang thuốc nên bị mù. Má tôi đau buồn, bệnh tật thường xuyên. Tôi đến nhờ anh Hai giúp nhưng anh không ngó ngàng gì đến má và em. Tôi phải đi mò lạch, kiếm cá, tép làm cái ăn nuôi mẹ. Bà dì Tư trong xóm thương tình, dẫn tôi tới lò gạch ông Ba Hoạch xin in ngói. Cứ in 100 viên thì được 3 xu.

Tôi làm không quen, buồn quá nên vừa làm vừa ca nghêu ngao cho đỡ buồn. Không ngờ, mọi người xung quanh nghe thích quá, mới bảo tôi ca cho họ nghe rồi họ phụ dùm tôi in gạch để có tiền nuôi mẹ.

Ông bầu Hai Cu, chủ tiệm vàng ở Mỹ Tho, lập gánh hát lấy tên là Tái Đồng Ban, ông nghe đồn có cô bé xẩm lai ở lò gạch ca hay nên đích thân ông tới tìm. Ông bầu Hai bảo nếu tôi chịu về Tái Đồng Ban, mỗi đêm diễn sẽ được phát lương 8 cắc. Ông còn cho mượn trước 50 đồng để lo thuốc thang cho bà ngoại và má tôi. Khi đi diễn gánh hát lại cho ăn cơm ngày hai bữa. Đối với tôi như vậy là cả một gia tài to lớn rồi, vì đi in gạch mỗi ngày tôi kiếm chưa tới một cắc.

Tôi theo gánh Tái Đồng Ban, được anh Tư Chơi dạy tôi ca. Ông Năm Mạnh (thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh) và anh Năm Châu dạy tôi hát. Sau này tôi mới biết, do chị Năm Phỉ không về được Tái Đồng Ban nên ông bầu Hai mới tìm người hát chung với anh Năm Châu. Tôi may mắn mới được thế chị Năm Phỉ".

Năm 1925, cô Phùng Há là gái mới lớn lên, có giọng ca hay, học ca, học hát đều mau giỏi, nên anh Năm Châu dốc sức chỉ dạy nghề ca hát cho cô Phùng Há. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô Phùng Há đã nắm vai đào chánh, hát xứng đào xứng kép với anh Năm Châu.

Năm Châu & phùng Há
NS Năm Châu - NS Phùng Há trong vở "Vợ và tình". Ảnh trong bài: HUỲNH CÔNG MINH

Mối tình vừa chớm nở thì bất ngờ anh Tư Chơi, nhạc sĩ đàn trong gánh hát, thường đàn và dạy cô Phùng Há ca, tuyên bố kết hôn với cô Phùng Há. Năm sau (1927), Phùng Há sanh đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Bửu Chánh.

Năm 1929, Tư Chơi là một nhạc sĩ giỏi, một tác giả tài ba, vừa thành công lớn qua hai tuồng do anh sáng tác: Khúc oan vô lượngTội của ai. Tư Chơi rượu chè say sưa suốt ngày và bắt đầu theo đuổi cô Kim Thoa, rất đẹp và ca cũng rất hay, bỏ mặc cô vợ trẻ Phùng Há.

Phùng Há - Thanh Nga - Năm Châu trong vở “Vợ và tình”
Từ trái sang: Phùng Há - Thanh Nga - Năm Châu trong vở "Vợ và tình". Ảnh trong bài: HUỲNH CÔNG MINH

Cô Phùng Há phải gởi Bửu Chánh cho mẹ cô ở Mỹ Tho nuôi dưỡng, gia nhập gánh hát mới mà bầu gánh là một vị công tử con nhà giàu nhất ở tỉnh Mỹ Tho, đó là cậu Tư Phước Georges, cậu có biệt danh được ghi vào lịch sử ăn chơi khét tiếng của các cậu công tử ở Nam Kỳ: Bạch Công Tử. Gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công Tử Phước Georges là một đại ban, nhiều soạn giả có tài, diễn viên nam, nữ đều thinh sắc lưỡng toàn nên rất đông khách, tạo khí thế mạnh mẽ cho ngành cải lương non trẻ được phát triển mau lẹ, càng ngày càng thu hút đông đảo khán giả ái mộ. Ông Phước Georges lập gánh hát Huỳnh Kỳ chỉ vì ông mê cô đào danh tiếng Phùng Há, vì vậy không lâu sau đó, cô Phùng Há trở thành bà bầu gánh Huỳnh Kỳ, chính thức là vợ của Bạch Công Tử Phước Georges (1929-1934).

Cô buồn bã nói tiếp: "Ngày đó khi tôi lấy chồng, ảnh (Năm Châu) đột ngột rời gánh Phụng Hảo, nghe đâu đi Hà Nội một thời gian. Tôi quyết định lấy chồng để cả hai chúng tôi có thể dứt khoát. Người ta đưa cho tôi lá thư ảnh gởi trước khi đi, không một lời từ biệt. Lá thư đó là 12 câu vọng cổ, là tất cả tâm tình của ảnh... Trong từng câu, từng lời, tôi hiểu ảnh rất buồn bực, thất vọng và trách móc tôi rất nhiều. Nhưng cho dù có hiểu nhau, thương nhau đến mấy, cũng bằng không thôi, số phần đã vậy rồi". Và cô Bảy ca bằng cả tâm hồn hướng về người tình xưa:

1- Ngàn dặm xa trong cánh nhạn xòe. Cứ mỗi độ báo tin, sương mờ mịt ngọn khói lam. Nghi ngút tỏa bung lung trên các hàng thành quách cũ.

2- Lơ lửng lá vàng rơi, thoang thoảng gió heo may, đưa hương vị cố nhân về, đánh thức bao ký vãng xa xăm mà ta đã cùng hưởng chung với nhau ở giữa đất phong trần.

3- Lòng bỗng rạo rực băn khoăn vội vã tạ liễu từ hoa, ân cần giao trả lại cho nước non, rồi xếp gió trăng thơ mộng, vùn vụt bánh xe lăn trong muôn dặm tử phần.

4- Bồi hồi lòng mong mỏi, xé không gian tìm dấu cũ. Nặng nề lòng nhớ nhung mến tưởng, đinh ninh cái câu tao ngộ ta sẽ cùng sớt chia nhau mà trang trải nợ nần.

5- Nào dè đâu thời gian đã tàn phá bức tranh tình. Mùi đã lạt, tình đã phai, cùng cố nhân tuy gần nhau trong gang tấc mà cách nhau như núi Sở sông Tần.

...

11- Ầm ĩ sóng bến mê, rạt rào mưa khóm trúc, chiếc thân tàn, con ma dại cứ lầm lũi đi trên con đường gió bão. Kìa ai ơi, một hồn quê mà ai đã sa đà.

12- Cõi lòng đang hăm hở vui tươi bỗng đượm lấy một dòng sầu man mác. Giữa độ đầu xanh tuổi trẻ mà tâm khảm vì ai pha máu lạnh cho đến đổi nét xuân tươi mà nay tôi đã hóa ra cằn cỗi hóa già.

***

Từ khi nổi tiếng là ngôi sao tài sắc, biết bao là vương tôn công tử và khách mộ điệu cải lương thầm yêu trộm nhớ, si mê cô Bảy, tôn vinh cô. Nhưng có lẽ, trong cuộc đời của cô Bảy, trong những mối tình có thật và mơ hồ ấy, có "một mối tình không bao giờ phai nhạt". Dầu người ấy đã về cõi vĩnh hằng nhiều năm rồi và cô Bảy đã 96 tuổi (năm 2006) - cái tuổi hầu như khó thể nhớ về một quá khứ đã xa thì cô Bảy vẫn không quên. Cô vẫn nhớ hầu như tất cả những đoạn trường, trái ngang, nghịch cảnh giữa hai người, nhớ cả lời giã biệt của người xưa cách đây đã hơn 60 năm.

Nước mắt lăn dài trên đôi má, môi run run, cô cắn môi như muốn ngăn để không bật lên tiếng khóc. Cô buồn bã tâm sự về cuộc nhân duyên đau khổ của mình với Bạch Công Tử:

"Tôi còn nhớ năm 1934, lúc đó gần Tết, gánh Huỳnh Kỳ hát ở rạp Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Gánh hát lúc đó sa sút, hát ế. Ổng (tức Phước Georges) chỉ lo hút sách, theo đuổi các cô gái đẹp, xài phung phí tiền của như nước lã, bỏ mặc gánh hát không hề chăm sóc tới. Tôi ở với ổng đã có hai đứa con gái. Lúc đó, con tôi bị bệnh ban cua lưỡi trắng, không tiền thang thuốc, không tiền đi khám bác sĩ.

Tôi cho người đi kiếm ổng để báo tin, kêu về lo cho con thì họ nói là ổng đang hút thuốc phiện ở khách sạn Minh Tân, gần ga xe lửa. Ổng nhắn là nếu không tiền thì bán áo mão gánh hát mà xài. Ghe chài thì ổng vay nợ Chà Setty, cầm cố hết rồi. Đêm đó, hai đứa con tôi chết, báo tin, ổng cũng không thèm về nhìn mặt con lần cuối. Anh em trong gánh hát giúp chôn cất con tôi ở nhị tì Quảng Đông, xã Tân Mỹ Chánh, đường đi về Gò Công. Tôi buồn khổ, về ở với má tôi ở xóm lò gạch, đường qua lộ Giồng Nhỏ, ổng cũng không thèm kiếm tôi về và bỏ cho gánh Huỳnh Kỳ rã ở Mỹ Tho trong dịp Tết năm đó".

Ngày anh Năm Châu mất (5/1977), cô Bảy hay tin, chạy vào nhà thương, vấp té liên hồi. Chúng tôi phải chạy ra đỡ, dìu cô vô. Cô khóc, nắm vai anh Năm Châu lay gọi, như muốn vực anh Năm dậy: "Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không? Anh phải nghe tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng. Sở dĩ tôi làm vậy... là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ này... tới giờ phút này, tôi vẫn yêu anh".

Cô Bảy khóc ngất, nói như mê sảng với người tình xưa mà không nhớ là xung quanh cô lúc đó có rất nhiều người, có cả chị Kim Cúc là người vợ đương thời của anh Năm Châu. Chị Kim Cúc vỗ về cô Bảy: "Chị Bảy, trước khi xuôi tay nhắm mắt, ảnh còn gọi tên chị, hỏi chị ở đâu...". Kim Cúc không thể nói nhiều hơn nữa, vì cô Bảy đã ôm chị mà khóc ngất. Phải có những tâm hồn đồng điệu mới giữ được mối tình hàng nửa thế kỷ chưa phai. Phải có tâm hồn cao cả mới biết yêu và nén hờn ghen, chia sẻ nhau nỗi đau và an ủi cả người tình địch của mình như chị Kim Cúc đã làm.

 NS Năm Châu - NS Kim Cúc trong vở "Tuyết băng và bạo lực"

NS Năm Châu - NS Kim Cúc trong vở "Tuyết băng và bạo lực". Ảnh trong bài: HUỲNH CÔNG MINH

Anh Năm Châu nằm đó, xuôi tay nhắm mắt nhưng chắc còn nghe được lời nói tự đáy lòng của cô Bảy Phùng Há, để yên lòng ra đi vĩnh viễn vì điều anh mong mỏi là Tình Yêu và Nghệ Thuật đã kết tinh thành một khối ngọc trong sáng vô ngần.

Nguyễn Phương

(Đăng trong tạp chí Hồn Việt số 7 - Tháng 12/2007)

Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn
  
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất